Quá trình lập kế hoạch hành động sao cho có hiệu quả luôn bắt đầu với một mục đích, mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng. Bản kế hoạch sẽ dẫn dắt bạn từ vị trí hiện tại đi thẳng đến mục tiêu đã đặt ra. Với một kế hoạch được thiết kế hợp lý, bạn có thể đạt được gần như mọi mục tiêu mà bạn mong muốn.
Phần 1 – Lập kế hoạch
1. Ghi lại mọi chi tiết.
Trong quá trình lập kế hoạch hành động, bạn cần ghi chú về mọi chi tiết. Sẽ rất hữu ích nếu bạn sử dụng bìa hồ sơ có gắn nhiều nhãn để phân loại thành nhiều mục khác nhau của kế hoạch. Một số mục có thể kể đến là:
- Các ý tưởng/ghi chú linh tinh;
- Lịch trình hàng ngày;
- Lịch trình hàng tháng;
- Các mốc quan trọng;
- Quá trình nghiên cứu;
- Công việc tiếp theo;
- Các cá nhân có liên quan/ thông tin liên hệ.
2. Biết rõ điều bạn muốn làm.
Khi bạn càng không biết rõ về việc mình muốn làm, kế hoạch của bạn sẽ càng kém hiệu quả. Nên cố gắng xác định cụ thể điều mà bạn muốn đạt được, càng sớm càng tốt – tốt nhất là trước khi bắt đầu dự án.
Ví dụ: Bạn đang cố gắng hoàn thành luận văn thạc sĩ – về căn bản, đó là một bài luận rất dài, cần khoảng 40.000 từ. Bài luận văn này sẽ bao gồm phần giới thiệu, phần lược khảo tài liệu (trong đó bạn thảo luận có phản biện về các tài liệu nghiên cứu khác mà bạn tham khảo và bàn luận về phương pháp của bạn), các chương của luận văn, trong đó bạn diễn giải các ý tưởng của mình bằng các dẫn chứng cụ thể, và cuối cùng là phần kết luận. Bạn có thời gian một năm để viết bài luận văn.
3. Suy nghĩ một cách cụ thể và thực tế khi lập kế hoạch.
Việc đặt mục tiêu rõ ràng chỉ là sự khởi đầu: bạn cần phải cụ thể và thực tế trong mọi mặt của dự án – ví dụ như đặt ra các lịch trình, các mốc quan trọng và kết quả cuối cùng một cách rõ ràng và khả thi.
Suy nghĩ cụ thể và thực tế khi lập kế hoạch cho một dự án lớn là một cách tích cực để giảm stress – vốn thường đi kèm với các dự án không được lên kế hoạch tốt – chẳng hạn như không kịp hoàn thành trước thời hạn chót và những giờ làm việc dài đến kiệt sức.
Ví dụ: để hoàn thành luận văn đúng thời hạn, bạn cần viết khoảng 5.000 từ mỗi tháng, như vậy bạn sẽ có vài tháng còn lại để gọt giũa các ý tưởng. Dự tính thực tế nghĩa là không đặt ra kỳ vọng viết hơn 5.000 từ mỗi tháng.
Nếu đang làm công việc trợ giảng trong 3 tháng, bạn sẽ phải tính đến việc không hoàn thành được 15.000 từ trong khoảng thời gian này, do đó bạn cần phải trải đều khối lượng công việc đó trong các tháng còn lại.
4. Đặt ra các cột mốc hợp lý.
Các cột mốc đánh dấu các giai đoạn quan trọng trong hành trình tiến đến mục tiêu cuối cùng. Bạn có thể dễ dàng đặt ra các cột mốc bằng cách bắt đầu từ kết quả (hoàn thành mục tiêu) và đi ngược lại đến thời điểm và hoàn cảnh hiện tại.
Việc đặt ra các cột mốc có thể giúp bạn (và nếu có thể áp dụng, nó còn giúp được cả nhóm) duy trì động lực bằng cách chia khối lượng công việc thành các phần nhỏ hơn và các mục tiêu rõ ràng hơn, nhờ đó bạn không cần phải đợi cho đến khi hoàn thành toàn bộ dự án mới có cảm giác đạt được kết quả nào đó.
Thời gian thực hiện các cột mốc không nên quá dài hoặc quá ngắn – mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 2 tuần được xem là có hiệu quả nhất.
Ví dụ: Khi viết luận văn, bạn không nên đặt ra các cột mốc dựa trên mục tiêu hoàn thành các chương, vì việc này có thể mất đến vài tháng. Thay vào đó, hãy phân chia thành các giai đoạn ngắn hơn (có thể dựa trên số lượng từ được viết) trong thời gian 2 tuần và tự thưởng cho mình khi hoàn tất.
5. Chia các nhiệm vụ lớn thành các phần nhỏ hơn và dễ thực hiện hơn.
Một số nhiệm vụ và cột mốc có thể khó đạt được hơn số còn lại.
Nếu cảm thấy đuối sức với một nhiệm vụ lớn, bạn có thể giảm căng thẳng và khiến nhiệm vụ đó khả thi hơn bằng cách chia thành những phần nhỏ và dễ thực hiện hơn.
Ví dụ: Phần lược khảo tài liệu thường là chương khó nhất, vì nó tạo nền tảng cho bài luận văn. Để hoàn thành phần lược khảo tài liệu, bạn cần nghiên cứu và phân tích một khối lượng lớn tài liệu trước khi bắt đầu viết.
Bạn có thể chia nhiệm vụ này thành ba phần nhỏ hơn: nghiên cứu, phân tích và viết. Thậm chí bạn còn có thể chia nhỏ hơn nữa bằng cách chọn những bài viết và những cuốn sách cụ thể cần đọc, đặt thời hạn cho việc phân tích và viết.
6. Lập lịch trình.
Viết một danh sách các nhiệm vụ cần hoàn thành để đạt đến các cột mốc. Nhưng nếu chỉ liệt kê các việc cần làm thì sẽ không có hiệu quả – bạn phải đưa danh sách này vào lịch trình liên quan đến các hành động cụ thể và thực tế.
Ví dụ: Bằng việc chia nhỏ phần lược khảo tài liệu, bạn sẽ biết chính xác những việc cần làm và có thể tìm ra khung thời gian cụ thể cho các nhiệm vụ đó. Có lẽ cách một hoặc hai ngày bạn sẽ phải đọc, phân tích và viết về một vấn đề quan trọng.
7. Đặt lịch trình cho mọi công việc.
Nếu không có các khung thời gian và thời hạn cụ thể, chắc chắn công việc của bạn sẽ kéo dài vượt quá thời gian cho phép, và một số nhiệm vụ có thể không bao giờ hoàn thành.
Dù bạn chọn bất cứ nhiệm vụ nào cho giai đoạn nào trong kế hoạch hành động, điều cần thiết là phải gắn khung thời gian vào mọi hoạt động đó.
Ví dụ: Biết rằng bạn cần khoảng 1 tiếng để đọc 2.000 từ, và bạn sẽ phải đọc một tài liệu 10.000 từ, như vậy bạn cần cho bản thân thời gian ít nhất 5 tiếng để đọc xong tài liệu đó.
Bạn cũng sẽ cần tính đến ít nhất hai bữa ăn trong thời gian đó, và các khoảng nghỉ giải lao cách 1-2 tiếng một lần khi bộ não bắt đầu mệt mỏi. Ngoài ra, bạn cũng cần cộng thêm ít nhất 1 tiếng vào con số cuối cùng để phòng khi có sự gián đoạn ngoài dự tính.
8. Tạo biểu tượng thị giác.
Khi bạn đã lập danh sách các mục hành động và lịch trình cụ thể, bước tiếp theo là tạo ra biểu tượng bằng hình ảnh cho kế hoạch của bạn. Bạn có thể sử dụng lưu đồ, biểu đồ, bảng tính hoặc một số công cụ văn phòng khác để thực hiện việc này.
Đặt biểu tượng ở nơi dễ nhìn thấy – thậm chí trên tường trong văn phòng hoặc phòng học nếu có thể.
9. Gạch đi các mục đã hoàn thành.Việc gạch đi các nhiệm vụ đã đạt được không chỉ đem lại cho bạn cảm giác hài lòng mà còn giúp bạn theo dõi để khỏi quên những việc đã làm xong.
Điều này đặc biệt quan trọng khi làm việc nhóm. Nếu bạn làm việc chung với những người khác, hãy cân nhắc sử dụng tài liệu chia sẻ qua internet để mọi người có thể kiểm tra dù họ đang ở bất cứ nơi đâu.
10. Không dừng bước cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng.
Khi kế hoạch của bạn đã được thiết lập và chia sẻ trong nhóm (nếu có thể áp dụng), và các cột mốc của bạn đã được đặt lịch trình, bước kế tiếp sẽ khá đơn giản: Bắt tay vào thực hiện các hành động hàng ngày để đạt được mục tiêu.
11. Thay đổi thời gian nếu cần thiết, nhưng đừng bao giờ từ bỏ mục tiêu.
Đôi khi, hoàn cảnh hoặc các sự cố mà bạn không lường trước được có thể xuất hiện và cản trở bạn hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn và đạt được mục tiêu.
Nếu điều này xảy ra, bạn cũng đừng nản chí – hãy xem lại bản kế hoạch và tiếp tục cố gắng để vươn tới mục tiêu và hướng về phía trước.
Phần 2 – Quản lý thời gian
1. Chọn một thời gian biểu có hiệu quả.
Dù là sử dụng phần mềm ứng dụng hay một cuốn sổ viết tay, bạn sẽ cần một thời gian biểu có thể lập kế hoạch theo từng giờ, từng ngày hoặc từng tuần. Thời gian biểu cần phải dễ đọc và dễ sử dụng; nếu không, bạn sẽ không thể tận dụng được lợi ích của nó.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đặt bút trên giấy để viết ra những việc cần làm sẽ tăng khả năng bạn sẽ thực hiện những công việc đó. Vì vậy, có lẽ tốt nhất là bạn nên dùng thời gian biểu viết tay để dự trù thời gian cho công việc.
2. Tránh dùng các danh sách những việc cần làm.
Vậy là bạn có một danh sách dài những việc cần làm, nhưng khi nào bạn sẽ thực sự thực hiện? Danh sách những-việc-cần-làm không có hiệu quả bằng việc lên lịch cho các nhiệm vụ. Khi đã có lịch trình cho các công việc, khả năng bạn dành thời gian thực hiện sẽ cao hơn.[3] Khi đặt ra những khoảng thời gian cụ thể để làm việc (nhiều bảng lịch trình hàng ngày có chia các ô thời gian), bạn cũng sẽ thấy rằng mình ít có khả năng trì hoãn, lý do là vì bạn chỉ có một khoảng thời gian đã định để hoàn thành công việc trước khi chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo trong lịch trình.
3. Học cách phân chia thời gian.
Việc phân chia thời gian sẽ giúp bạn biết còn bao nhiêu thời gian trong ngày. Hãy bắt đầu với các nhiệm vụ cần ưu tiên nhất, sau đó là những việc ít quan trọng hơn.
Lập thời gian biểu cho cả tuần. Khi nhìn xa hơn về những ngày sắp tới, bạn có thể điều chỉnh lịch trình của mình sao cho hiệu quả nhất.
Một số chuyên gia còn khuyến nghị rằng ít nhất bạn cũng nên có ý tưởng chung cho kế hoạch trong cả tháng.
Một số người cũng khuyên nên bắt đầu từ thời gian cuối ngày và đi ngược lại – như vậy, nếu định hoàn thành bài tập về nhà vào lúc 5 giờ chiều, bạn nên lập thời gian biểu bắt đầu từ thời điểm đó và sắp xếp ngược lại cho đến đầu ngày, chẳng hạn như 7 giờ sáng.
4. Đưa giờ nghỉ và giải lao vào thời gian biểu.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc đặt lịch cho thời gian nghỉ ngơi cũng có thể giúp bạn hài lòng hơn trong cuộc sống. Thực tế cho thấy thời gian làm việc quá dài (trên 50 tiếng một tuần) sẽ làm giảm hiệu suất làm việc.
Tình trạng thiếu ngủ sẽ triệt tiêu hiệu quả làm việc. Đảm bảo ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm nếu bạn là người lớn, hoặc 8,5 tiếng mỗi đêm nếu bạn còn ở tuổi thanh thiếu niên.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc dành thời gian hàng ngày cho các liệu pháp “hồi phục có chiến lược” (như tập thể dục, chợp mắt, thiền, giãn cơ) sẽ giúp nâng cao hiệu suất và sức khỏe tổng thể.
5. Dành thời gian để lập kế hoạch cho một tuần.
Nhiều chuyên gia khuyên rằng nên đặt lịch trình ngay từ đầu tuần. Cân nhắc xem bạn có thể tận dụng từng ngày sao cho hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu.
Rà soát lại khối lượng công việc và trách nhiệm xã hội của bạn; nếu thấy lịch trình dày đặc, bạn có thể bỏ bớt một số kế hoạch ít quan trọng.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn phải gạt bỏ các hoạt động xã hội. Giao lưu với những người bạn tốt và nuôi dưỡng các mối quan hệ thân thiết là điều nên làm. Bạn cần một mạng lưới hỗ trợ.
6. Hình dung một ngày điển hình trong lịch trình của bạn.
Quay lại với ví dụ về việc viết luận văn, một ngày thông thường của bạn có thể là:
- 7 giờ sáng: Thức dậy;
- 7:15 sáng: Tập thể dục;
- 8:30 sáng: Tắm rửa và mặc quần áo;
- 9:15 sáng: Chuẩn bị bữa sáng và ăn sáng;
- 10 giờ sáng: Làm luận văn – viết (cộng thêm 15 phút nghỉ giải lao);
- 12:15 trưa: Ăn trưa;
- 1:15 chiều: Kiểm tra email;
- 2 giờ chiều: Nghiên cứu và phân tích tài liệu (bao gồm 20-30 phút nghỉ giải lao/ăn nhẹ);
- 5 giờ chiều: Dọn dẹp, kiểm tra email, đặt mục tiêu chính cho ngày mai;
- 5:45 giờ chiều: Rời bàn học, đi mua thực phẩm;
- 7:00 giờ tối: Chuẩn bị bữa tối, ăn tối;
- 9:00 giờ tối: Nghỉ ngơi – nghe nhạc;
- 10:00 giờ tối: Chuẩn bị giường ngủ, đọc trên giường (30 phút), ngủ;
7. Biết rằng không nhất thiết ngày nào cũng phải giống nhau.
Bạn có thể chỉ dành 1 hoặc 2 ngày trong một tuần cho công việc – đôi khi ngay cả việc tạm dừng làm việc cũng hữu ích vì bạn có thể quay trở lại với cách nhìn mới mẻ.
Ví dụ: Bạn chỉ cần viết và nghiên cứu vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu; ngày thứ năm bạn có thể thay thế bằng việc học nhạc.
8. Dự trù thêm thời gian cho những vấn đề rắc rối.
Cộng thêm một chút thời gian vào mỗi thời hạn dự tính, phòng khi có những ngày làm việc chậm hoặc bị gián đoạn không lường trước được. Bạn nên cho mình gấp đôi thời gian dự trù để hoàn thành công việc – nhất là trong giai đoạn đầu.
Khi đã thoải mái với công việc của mình hoặc nếu có thể đoán được một nhiệm vụ chiếm bao nhiêu thời gian, bạn có thể giảm bớt thời gian dự trù, nhưng việc dành một khoảng thời gian dôi ra cho mỗi nhiệm vụ luôn là ý tưởng khôn ngoan.
9. Linh hoạt và thoải mái với bản thân.
Bạn cần sẵn sàng điều chỉnh lịch làm việc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khi mới bắt đầu. Đây cũng là một phần trong việc học tập. Bạn có thể thấy việc dùng bút chì để lập thời gian biểu cũng có lợi.
Một việc cũng khá hữu ích nữa là dành ra một hoặc hai tuần để ghi vào lịch trình những việc bạn làm từng ngày trong quá trình thực hiện. Điều này sẽ giúp bạn biết mình đã sử dụng thời gian như thế nào và mỗi nhiệm vụ chiếm bao nhiêu thời gian.
10. Ngắt kết nối.
Giới hạn thời gian kiểm tra email hoặc mạng xã hội. Bạn nên chặt chẽ với bản thân, vì hoạt động này có thể mất hàng tiếng đồng hồ nếu cứ vài phút bạn lại kiểm tra chỗ này chỗ nọ.
Bước này bao gồm việc tắt điện thoại, nếu có thể – ít nhất là trong những lúc bạn thực sự muốn tập trung.
11. Giảm khối lượng công việc.
iều này liên quan đến việc ngắt kết nối. Bạn cần nghĩ đến những việc quan trọng nhất trong ngày – những việc có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu – và tập trung vào đó. Đừng mất thì giờ vào các thứ ít quan trọng vốn làm gián đoạn thời gian trong ngày của bạn như email, các giấy tờ linh tinh, v.v…
Một chuyên gia khuyên rằng không nên kiểm tra email ít nhất là trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ đầu tiên trong ngày; như vậy, bạn có thể tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng mà không bị phân tâm vì nội dung của các email.
Nếu biết rằng có nhiều bổn phận nhỏ cần làm (ví dụ như trả lời email, xem tài liệu, dọn dẹp chỗ làm việc), bạn hãy gộp chung để làm cùng một lúc thay vì để chúng ngắt quãng thời gian trong ngày hoặc làm gián đoạn các công việc quan trọng hơn vốn đòi hỏi sự tập trung nhiều hơn.
Phần 3 – Duy trì động lực
1. Giữ thái độ tích cực.
Một thái độ tích cực là điều cơ bản cho việc hoàn thành mục tiêu. Hãy tin vào bản thân mình và những người xung quanh. Chống lại mọi lời độc thoại tiêu cực bằng những khẳng định tích cực.
Ngoài tinh thần lạc quan, việc ở bên cạnh những người lạc quan cũng đem lại lợi ích. Nghiên cứu đã cho thấy rằng người ta thường tiếp nhận các thói quen của những người ở bên cạnh; vì vậy, bạn hãy chọn bạn bè một cách khôn ngoan.
2. Tự thưởng cho mình.
Việc này rất cần thiết mỗi khi bạn đạt được đến một cột mốc. Hãy thưởng cho mình một thứ cụ thể – một bữa ăn ngon tại một nhà hàng yêu thích khi bạn chạm đến cột mốc hai tuần đầu tiên, hoặc một suất mát-xa khi đạt đến cột mốc hai tháng.
Một chuyên gia có lời khuyên rằng bạn nên nhờ một người bạn giữ tiền và nói rằng họ chỉ đưa lại nếu bạn hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trước một thời hạn cụ thể. Nếu bạn không hoàn thành nhiệm vụ, bạn của bạn sẽ giữ số tiền đó.
3. Tìm một mạng lưới hỗ trợ.
Việc có bạn bè và gia đình bên cạnh là điều cần thiết; quan trọng không kém là kết nối với những người có các mục tiêu tương tự như mục tiêu của bạn để mọi người có thể kiểm tra lẫn nhau.
4. Theo dõi sự tiến bộ của bản thân.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tiến bộ chính là động lực lớn nhất trên hành trình hướng đến đích. Bạn có thể theo dõi sự tiến bộ của mình chỉ bằng cách gạch đi các nhiệm vụ trong lịch trình trong quá trình thực hiện.
5. Đi ngủ sớm và dậy sớm.
Khi xem lịch trình của những người làm việc có hiệu suất cao, bạn sẽ thấy rằng phần lớn trong số họ bắt đầu một ngày mới rất sớm. Họ cũng có thói quen buổi sáng – thông thường là một hoạt động nào đó tạo động lực cho họ trước khi bắt đầu làm việc.
Những hoạt động tích cực để bắt đầu buổi sáng là tập thể dục (từ những động tác giãn cơ và yoga nhẹ nhàng cho đến một tiếng đồng hồ tập luyện tại phòng gym), ăn bữa sáng bổ dưỡng và dành ra 20-30 phút viết nhật ký.
6. Cho bản thân thời gian nghỉ ngơi.
Những khoảng thời gian nghỉ giải lao là điều bắt buộc nếu bạn muốn duy trì động lực. Những giờ làm việc không ngừng nghỉ sẽ khiến bạn mệt lử. Nghỉ giải lao là một cách chủ động đề phòng tình trạng kiệt sức và mất đi thời gian quý giá của bạn.
Ví dụ: Bạn hãy tránh xa máy vi tính, tắt điện thoại, chỉ ngồi ở nơi nào đó yên tĩnh và không làm gì cả. Nếu có ý tưởng nào đó lóe lên trong đầu, bạn hãy viết vào sổ tay; nếu không, bạn cứ tận hưởng thời gian thư thái của mình.
Ví dụ: Thiền. Tắt chuông điện thoại, tắt chuông báo tin nhắn và đặt thời gian đến 30 phút hoặc đến thời điểm nào đó thích hợp. Ngồi yên lặng và cố gắng thanh lọc tâm trí. Khi những suy nghĩ xuất hiện trong đầu, bạn hãy ghi nhận và cho qua. Ví dụ, suy nghĩ đó là về công việc, bạn hãy nói thầm trong đầu, “Công việc” và bỏ qua, cứ tiếp tục như vậy khi những ý nghĩ kéo đến.
7. Tưởng tượng.
Thỉnh thoảng bạn hãy dành thời gian nghiền ngẫm về mục tiêu của mình và cảm giác khi đạt được mục tiêu đó. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua những thời khắc khó khăn có thể xảy ra trên con đường vươn tới đích.
8. Biết rằng điều này sẽ không dễ dàng.
Những điều quý giá thường không dễ đạt được. Có thể bạn phải giải quyết nhiều vấn đề hoặc phải vượt qua nhiều trở ngại khi hướng tới mục tiêu. Hãy chấp nhận thực tế khi nó xảy ra.
Nhiều chuyên gia ủng hộ tư duy sống trong hiện tại khuyên rằng người ta nên chấp nhận thất bại như thể đó là một phần trong dự định. Thay vì chống trả hoặc nổi giận, bạn hãy chấp nhận thất bại, rút ra bài học và tìm ra cách để hoàn thành mục tiêu khi hoàn cảnh thay đổi.
Phần 4 – Xác định các mục tiêu của bạn
1 Viết ra những điều mà bạn mong muốn.
Bạn có thể viết trong sổ nhật ký hoặc trong máy tính. Điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn không hoàn toàn biết chắc mình muốn làm gì mà chỉ cảm thấy một cách mơ hồ.
Thường xuyên viết nhật ký là một cách tuyệt vời để kết nối với bản thân và cập nhật cảm giác của mình. Nhiều người quả quyết rằng việc viết nhật ký có thể giúp họ hiểu rõ những điều mà họ cảm thấy và mong muốn.
2. Tìm tòi nghiên cứu.
Khi đã biết mình mong muốn điều gì, bạn hãy tiến hành nghiên cứu. Việc nghiên cứu các mục tiêu sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm tòi phương án tối ưu để đi đến đích.
Các diễn đàn trực tuyến như Reddit là một nơi tuyệt vời để thảo luận gần như về mọi đề tài – nhất là khi bạn muốn tham khảo ý kiến của những người trong cuộc về những nghề nghiệp nào đó.
Ví dụ: Khi viết luận văn, ban đầu bạn có thể băn khoăn không biết kết quả sẽ ra sao. Hãy xem những người khác đã viết như thế nào ở trình độ tương tự như bài luận văn mà bạn đang theo đuổi. Điều này thậm chí có thể giúp bạn đưa luận văn của mình ra công chúng hoặc tạo ra các cơ hội khác có lợi cho nghề nghiệp sau này của bạn.
3. Cân nhắc các phương án và chọn một phương án thích hợp nhất.
Sau khi xem xét kỹ, bạn sẽ hình dung được từng phương án sẽ dẫn đến những kết quả nào. Điều này sẽ giúp bạn chọn con đường tốt nhất phục vụ cho việc hoàn thành mục tiêu của mình.
4. Lưu ý về những vấn đề liên quan đến mục tiêu vốn có thể ảnh hưởng đến bạn.
Các vấn đề này bao gồm những khó khăn có thể cản trở bạn đi đến đích – trong ví dụ về việc viết luận văn, đó có thể là sự mệt mỏi về tinh thần, thiếu sự tìm tòi nghiên cứu hoặc các trách nhiệm công việc ngoài dự tính.
5. Hãy linh hoạt.
Các mục tiêu của bạn có thể thay đổi trên con đường hướng tới đích. Bạn hãy cho bản thân cơ hội điều chỉnh và hoàn thiện các mục tiêu. Tuy vậy, bạn đừng bỏ cuộc khi vấp phải khó khăn. Mất hứng thú và mất hy vọng là hai vấn đề khác nhau!
Kết luận
Bạn có thể áp dụng cùng một phương pháp lập kế hoạch và xác định mục tiêu cho các mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn như việc chọn nghề nghiệp chẳng hạn.
Nếu bạn cho rằng việc lập thời gian biểu là đơn điệu, hãy nghĩ thế này: Lịch trình hàng ngày, hàng tuần, thậm chí hàng tháng sẽ thường xuyên giúp bạn quyết định về những việc bạn sắp làm. Tâm trí bạn sẽ được giải phóng để tự do sáng tạo và tập trung vào những việc quan trọng.