Ngày nào cũng tăng ca, cấp trên gọi là có mặt, nhưng chỉ mắc lỗi nhỏ cũng bị khiển trách: Tôi nhận ra chẳng có thứ gọi là công bằng ở chốn công sở!
Làm việc với một người sếp nóng tính và hay chỉ trích là một trải nghiệm mà chắc hẳn không ai muốn có. Bởi khi bạn cố gắng làm việc sếp có thể cũng chẳng nhớ, nhưng chỉ cần mắc lỗi thì bạn sẽ trở thành mục tiêu của mọi cơn xả giận. Lúc này, cam chịu hay ra đi là lựa chọn của chính bạn.
01
Nhẫn nhịn vì tuổi còn quá trẻ
Ngày tôi mới ra trường, tôi may mắn được nhận vào làm tại một công ty khá có tiếng. Tuy nhiên, tôi vừa phải làm kế toán, lại kiêm luôn “quản gia”.
Tôi luôn phải làm việc liên tục mỗi phút, mỗi giây, hỗ trợ cho tất cả các bạn phòng khác, kiêm luôn công việc của họ. Tôi không nói mình làm việc giỏi nhưng tôi là người phải chạy đi chạy lại liên tục hỗ trợ để sếp và các bạn hoàn thành công việc sớm nhất, hoàn thiện nhất có thể. Tôi chỉ biết lao đầu vào làm vì nghĩ đó cũng cách thể hiện tốt, tôi muốn làm một người tốt, từ việc nhỏ nhất đến việc nặng nhất mà đàn ông né tránh tôi cũng đều nhiệt tình làm. Thậm chí, khi tôi làm xong việc cho các bạn, đáp lại là những điều tiếng không hay. Khi có lỗi, sếp lại lôi tôi ra khiển trách.
Chỉ cần mắc lỗi nhỏ, sếp đã chửi nhân viên thậm tệ và bỏ qua toàn bộ thành tích trước đó
Tôi chấp nhận và cố gắng rất nhiều, xem như chẳng biết gì, chỉ biết giúp đỡ ai thì giúp. Tại thời điểm đó, tôi thật sự không muốn bị nghỉ việc, tôi muốn làm việc để phụ giúp chút ít cho gia đình,. Tôi cũng rất nhẫn nhịn, nhẫn nhục dù bị sai vặt đến mức thậm tệ.
02
Ra đi khi không thể chịu nổi lời cay nghiệt từ sếp
Cho đến giờ, cả phòng vẫn còn nhớ rõ vụ việc của Hoài bởi cô là người đầu tiên mở màn cho trào lưu không chịu nổi sự quái tính của sếp mà đành xin nghỉ việc dù Hoài đã gắn bó với công ty gần 5 năm nay và không ít tâm huyết.
Lúc đó, Hoài được giao phụ trách nhóm kinh doanh 1, số lượng là 7 người. Vì làm được việc, kéo nhiều hợp đồng về cho công ty nên cô rất được sếp tin tưởng.
Rồi một lần, vô tình nhóm của Hoài mắc lỗi và khách hàng đòi phải đền bù gần 50 triệu. Con số không nhỏ nhưng cũng không phải quá lớn, và nếu xét về lỗi thì cũng phần nhiều là do khách quan chứ hoàn toàn không phải vì Hoài tắc trách.
Trong khi cả nhóm Hoài đang bàn bạc hướng giải quyết và thương lượng với khách hàng thì Huy – Trưởng phòng đã khó chịu ra mặt và lớn tiếng mắng Hoài ngay trước mặt mọi người: “Trưởng nhóm là người phải chịu trách nhiệm toàn bộ, không phải bàn bạc gì nhiều. Mà tôi không hiểu sao cô lại có thể ngớ ngẩn như thế, hợp đồng thế này mà còn để có sai sót, đầu óc cô có vấn đề à”. Nói đến đó, Huy đùng đùng đứng dậy bỏ về phòng làm việc trong sự ngạc nhiên và bao ánh mắt ái ngại nhìn Hoài.
Thế nhưng, khi Hoài vừa từ phòng họp trở về, Huy đã gọi cô vào phòng mắng té tát thêm một trận nữa cho hả dạ. Nào là ngu mà cứ hay lên mặt, đã không được thông minh lại còn làm ăn bát nháo, thiếu cẩn thận. Nào là mắng Hoài vô trách nhiệm, nếu cảm thấy không làm được thì nghỉ đi cho khỏe…
Nghĩ mình cũng có lỗi vả lại cũng đã gắn bó lâu năm với công ty, Hoài cố gắng bỏ qua mọi chuyện để tiếp tục công việc. Không ngờ, Huy lấy đó làm cớ gây khó dễ với Hoài và không ít lần mắng cô một cách quá đáng trước mặt tất cả mọi người.
Mỗi ngày đến công sở đối với Hoài giờ căng thẳng và khó chịu vô cùng. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi cách giải quyết công việc của Huy, Hoài đành xin thôi việc và bắt đầu hành trình đi tìm công việc mới. Với Hoài “mọi việc đều phải giải quyết trên cơ sở tôn trọng nhau, dù có là sếp đi chăng nữa thì cũng nên đối xử đúng mực với cấp dưới. Không thể cứ là sếp nên muốn xúc phạm kiểu gì cũng được”.
Làm gì khi phải đối diện với một người sếp tồi
Làm việc với một người sếp nóng tính và hay đánh giá, chỉ trích là một trải nghiệm mà chắc hẳn không ai muốn có. Bởi khi bạn cố gắng làm việc tốt hơn người khác gấp 10 lần, sếp có thể cũng chẳng nhớ, nhưng chỉ 1 lần duy nhất bạn làm sai, sếp sẽ đánh giá tồi và có thể phủ nhận hoàn toàn những cống hiến mà bạn làm cho công ty.
Vậy khi rơi vào trường hợp này, bạn nên xử lý ra sao?
Vẫn hoàn thành tốt công việc
Cách để chứng minh năng lực và đáp trả những lời dè bỉu của sếp đó chính là hoàn thành tốt mọi công việc mà bạn được giao.
Hãy làm nó một cách nghiêm túc và mang lại kết quả tốt nhất. Điều này khiến cho dù sếp có đối xử bất công hay thờ ơ với bạn, thì kết quả công việc sẽ là vũ khí bí mật giúp bạn phản kháng lại.
Thẳng thắn giải thích với sếp
Nếu chẳng may mắc lỗi dù là lớn hay nhỏ, sau khi đã tìm hiểu kỹ và thấy cần giải thích với sếp, hãy thẳng thắn lên tiếng. Sự im lặng và chịu đựng của bạn sẽ khiến vấn đề mãi ở đó không được giải quyết.
Điều tồi tệ hơn là sếp của bạn sẽ nghĩ đó là điều đương nhiên và không có gì to tát với bạn. Hãy thẳng thắn nói lên suy nghĩ của bạn để xem sếp trả lời như thế nào. Phản ứng tích cực là bạn được lắng nghe và sếp của bạn chấp nhận cải thiện. Ngược lại nếu sếp khăng khăng phản bác và đổ lỗi cho bạn, hãy xem xét đến lựa chọn tiếp theo.
Cam chịu sếp tồi là lỗi của bạn
Sếp tồi mà không dám bỏ việc vì sợ ‘nghỉ thì cạp đất mà ăn’, hay tiếc vì ‘được trả lương cao hơn chỗ khác’… thì đó là do bạn.
Nếu bạn cảm thấy tình hình quá tồi tệ, ảnh hưởng đến tinh thần và công việc của mình, hãy tìm một môi trường khác lành mạnh hơn.
Trong quá trình làm việc không phải lúc nào bạn cũng có thể khiến mọi người đều nhìn thấy đóng góp của mình, đặc biệt là cấp trên. Giao tiếp với sếp đã khó, nói “sếp sai rồi” lại càng khó hơn và chứng minh lỗi sai của sếp có thể khiến bạn đối mặt với tình trạng mất việc. Dẫu vậy, đừng bao giờ im lặng, sự im lặng trước những bất công sẽ ngăn cản sự phát triển của chính bạn mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của phòng ban.
Còn nếu bạn vẫn nghĩ có thể chịu đựng thì hãy tự xét lại bản thân xem vì sao mình không dám nghỉ việc chỗ này để xin việc chỗ khác. Do bạn không đủ tự tin hay không đủ năng lực? Đã đi làm rồi thì các bạn cũng nên nhìn nhận một thực tế là ở đâu cũng có những sếp khó ưa, những chuyện khó chịu như vậy cả, chỉ là số lượng ít hay nhiều, mức độ lớn hay nhỏ mà thôi. Vấn đề là bạn có chịu được cái thực tế ấy không mà thôi?