Nhắc đến Nhật Bản, Các bạn nghĩ ngay đến một đất nước có nền kinh tế phát triển với tinh thần quật cường và nề nếp làm việc quy củ. Tất cả đều bắt nguồn từ phong cách sống và làm việc kỷ luật của người Nhật. Chính sự kỷ luật này đã giúp Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ. Để được thành công như họ, mỗi cá nhân cần học tính kỷ luật theo người Nhật Bản để công việc dễ dàng hơn, chất lượng hơn và tiết kiệm nguồn lực hơn.
Tính kỷ luật là gì?
Tính kỷ luật là cụm từ đề cập việc các cá nhân tuân thủ nguyên tắc, chấp hành quy định mà tổ chức đề ra, nghiêm túc thực hiện những yêu cầu hoạt động mà tập thể thống nhất trong mọi hoàn cảnh phát sinh hành động liên quan đến mỗi tiêu chuẩn kỷ luật.
Người có tính kỷ luật tốt luôn làm chủ hành vị, nhận thức của bản thân phải đáp ứng theo khuôn khổ quy định, sẵn sàng giảm cái tôi của bản thân vì lợi ích chung của tập thể, không để những tác động từ con người và môi trường xung quanh chi phối làm lung lay năng lực kỷ luật tốt mà họ đã dành cả một quá trình để rèn luyện.
Vai trò của tính kỷ luật trong công việc
Trong công việc, tính kỷ luật được xem là nền tảng giúp quá trình vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra đồng bộ, nhất quán. Bởi lẽ, vai trò của tính kỷ luật mang lại:
Tạo thuận lợi trong việc kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp
Mỗi cá nhân người lao động đều có những sở thích và cách thức triển khai công việc khác nhau. Có thể khi làm việc độc lập thì hiệu quả cao nhưng khi làm việc trong tập thể, nếu mạnh ai nấy làm, tự hành động theo cách thức làm việc mà mình yêu thích thì sẽ gây ra sự xáo trộn, không đồng bộ, khó phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của quy trình. Chính vì vậy, người quản lý mới yêu cầu người lao động phải tuân thủ kỷ luật trình tự thống nhất cho mọi hoạt động.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động
Quy định kỷ luật sẽ được áp dụng đồng bộ trong toàn hệ thống. Người vi phạm sẽ bị xử phạt. Điều này giúp mọi người ý thức cao trách nhiệm trong công việc, đảm bảo triển khai mọi hoạt động theo đúng tiêu chuẩn. Hệ thống vận hành cũng nhờ vậy mà hạn chế tối đa sự trễ nải, sai sót.
Phát triển văn hóa làm việc doanh nghiệp
Khách hàng, đối tác ưu tiên lựa chọn hợp tác cùng doanh nghiệp ngoài sự đa dạng, chất lượng sản phẩm/ dịch vụ cung cấp thì văn hóa doanh nghiệp, văn hóa phục vụ khách hàng cũng là tiêu chuẩn để họ cân nhắc khi đánh giá.
Tính kỷ luật chính là cơ sở để tập thể doanh nghiệp nhất nhất tuân thủ và duy trì văn hóa doanh nghiệp đó. Dù cho nhân viên hay người phụ trách cũ có chuyển việc, người mới vào thay thì doanh nghiệp vẫn an tâm về tính nhất quán trong văn hóa triển khai công việc của đội ngũ nhân sự.
Bài học về tính kỷ luật của người Nhật Bản
Xem các phóng sự về phong cách làm việc kỷ luật của người Nhật, nhiều cá nhân ở nhiều quốc gia cảm thấy ái ngại vì họ cho rằng như vậy không khác gì tự bó hẹp mình, tự kiềm hãm bản thân trong những khung quy tắc khắt khe. Từ cách để giày dép, đi đứng, cách ăn mặc, đến việc nhất nhất tuân thủ quy tắc cấp trên… Nhưng thực tế, một khi rèn luyện được những bài học về tính kỷ luật của người Nhật Bản thì dù bạn đến làm việc ở quốc gia nào, làm việc ở ngành nghề nào đều được tôn trọng và tin tưởng vì hiệu suất làm việc luôn vượt trội.
Khoảng cách quyền lực lớn – Tôn kính và nêu cao thứ bậc
Người trọng rất khiêm tốn, điều này thể hiện qua cái cúi đầu chào hỏi khi giao tiếp với người khác. Đặc biệt đối với người lớn tuổi, có có cấp bậc địa vị cao, cái cúi đầu thấp hơn sẽ thể hiện sự tôn kính, cho dù người ở địa vị cao có ít tuổi hơn. Đây là v8an hóa tôn trọng và nêu cao thứ bậc, một trong những yêu cầu kỷ luật cơ bản nhất, tuyệt đối không được quên, nhất là trong môi trường công sở.
Học tập tính kỷ luật của người Nhật, chúng ta cần thể hiện sự tôn trọng mọi người xung quanh, nói chuyện lễ phép, thái độ lịch thiệp. Hãy nhớ rằng dù là một đứa trẻ, cũng sẽ có cái hay để ta học hỏi, đừng bao giờ tỏ thái độ trịch thượng chỉ vì ta có bằng cấp cao hơn, hay hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn người khác một chút. Luôn khiêm tốn, luôn học hỏi mới mang lại lợi ích lâu dài.
Luôn luôn đúng giờ
Dù là cuộc hẹn cá nhân hay gặp gỡ gia đình thân mật, người Nhật thường sẽ chọn đến sớm vài phút như một sự phòng hờ để không trễ giờ hẹn, không để mọi người phải chờ đợi mình. Đây là thói quen cho thấy thái độ tôn trọng mà người Nhật dành cho người thân, bạn bè, đối tác.
Nhiều cá nhân cho rằng, người quan trọng sẽ là người đến trễ nhất, nên cứ thích đến trễ một chút để tạo vị thế cho mình. Thực tế, đây là thái độ thiếu tôn trọng người khác, cũng bị cho là làm việc thiếu chuyên nghiệp. Thử nghĩ nếu người khác đến trễ, bạn phải chờ đợi thì bạn có thoải mái không? Vì vậy, dù bạn có là giám đốc, trưởng phòng hay là người chủ trì trong cuộc gặp thì việc đến đúng giờ vẫn là thói quen nên rèn luyện.
Luôn vì mục tiêu chung, vì tập thể
Người Nhật luôn hướng đến tinh thần đoàn kết, từ khi còn học mẫu giáo, các em bé đã được giáo dục về sự tương thân tương ái, đoàn kết một lòng trong những tình huống khó khăn, thiên tại, dịch bệnh… Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện, khi Nhật Bản bị thảm họa kép động đất – sóng thần 2011, một em nhỏ được phóng viên nước ngoài cho gói bánh, em đã không chút do dự mà đem ra đặt vào rổ bánh chung của cả khu di tản. Em nói em đã ăn no rồi, em để đây nếu ai đói sẽ ra rổ để lấy ăn. Quá tuyệt vời cho nền giáo dục Nhật Bản.
Trong công việc cũng vậy, người Nhật luôn xưng hô “chúng tôi” chứ không bao giờ xưng “tôi”. Họ luôn đặt tập thể lên hàng đầu, vì họ biết rằng, một khi doanh nghiệp vững mạnh thì sự nghiệp của họ cũng vững mạnh theo. Hãy học cách luôn hướng đến tập thể như người Nhật, một cá nhân, một phòng ban, rồi đến cả doanh nghiệp làm được điều này, tin chắc doanh nghiệp Việt sẽ sớm tạo nên kỳ tích.
Giữ liên lạc, duy trì các mối quan hệ
Khi cần thì mới liên lạc, khi không cần thì một tin nhắn hỏi thăm cũng không có. Người Nhật không như vậy, với họ, lúc khó khăn được khác giúp, lúc bình an càng phải biết ơn và quan tâm đến người đó nhiều hơn. Các mối quan hệ đã thiết lập luôn được người Nhật chăm chút giữ gìn bằng những tin nhắn hỏi thăm, thư chúc mừng, gọi điện hàn huyên, gặp trực tiếp tâm sự nếu có thể… Quan tâm đến mọi người chính là bạn đang giúp bản thân phát triển mối quan hệ, về mặt cuộc sống hay công việc đều tốt cả.
Vì vậy, chúng ta phải luôn duy trì gắn kết các mối quan hệ trong cuộc sống của mình. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, việc giữ liên lạc không còn khó khăn và tốn kém như trước nữa. Hãy học người Nhật, luôn quan tâm và trân trọng mọi mối quan hệ quanh ta.
Không từ chối thẳng thừng
Nhiều nền văn hóa phương Tây, không thích, không làm là họ sẽ nói thẳng, nhưng văn hóa phương Đông sẽ luôn quan tâm đến cảm xúc của người nghe. Đây cũng là lý do mà người Nhật khi không thích và muốn từ chối, họ vẫn sẽ chọn những cách nói giảm, nói tránh, sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng để người nghe chấp nhận sự từ chối của họ với tâm thái ôn hòa, không bị chạnh lòng hay hụt hẫng.
Điều này cũng là biểu hiện tôn trọng cảm xúc cá nhân, đặc biệt là trước đám đông. Giữ thể diện cho người khác, cũng chính là đang nâng cao giá trị bản thân của chính mình. Sẽ không hay ho gì khi bêu xấu hay chê bai thẳng mặt ai đó, những tức giận, bực dọc của họ có thể khiến ta có thêm một kẻ thù, hoàn toàn không tốt cho công việc.
Làm hết sức, chơi hết mình
Mặc dù áp lực công việc tại Nhật rất lớn, những mỗi người lao động luôn ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và thể chất. Vì vậy, khi làm việc, người Nhật tập trung cao độ, còn sau giờ làm việc, họ sẽ tạm gác lại những âu lo, phiền muộn, mệt mỏi của công việc để chăm sóc bản thân bằng những chuyến du lịch, những buổi hẹn café cùng bạn bè, hay rủ gia đình đi ăn tối bên ngoài kết hợp đi dạo.
Thật sự, để tâm trạng có thể tạm gác bộn bề công việc mà chuyên tâm cho cuộc sống cá nhân là điều rất khó. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, cuộc sống là chuỗi ngày dài với rất nhiều khía cạnh phải đáp ứng, và công việc chỉ là một trong những khía cạnh đó. Vì vậy, có thể tách biệt áp lực công việc và cuộc sống cá nhân nhiều bao nhiêu, hiệu quả hoàn thành mọi khía cạnh cuộc sống sẽ càng tốt bấy nhiêu.
Tính kỷ luật đã giúp người Nhật đạt được những thành công vượt bậc về kinh tế, điều này đã được thực tế minh chứng suốt nhiều thập kỷ. Vì vậy, thông qua bài viết này, Học Từ Cuộc Sống muốn khích lệ mọi cá nhân hãy học tính kỷ luật theo người Nhật Bản để công việc dễ dàng hơn, thành công chinh phục mọi thử thách trong công việc, nâng cao giá trị thương hiệu bản thân trước nhà tuyển dụng và đối tác.